Cuộc nổi dậy Stonewall

Vào những năm 1960, đồng tính luyến ái hoàn toàn là bất hợp pháp ở hầu hết các khu vực của Hoa Kỳ. Những điều luật trên sách vở coi việc gạ gẫm hoặc có mối quan hệ tình dục với người cùng giới là trọng tội và không cho phép mọi người ăn mặc khác với giới tính mà họ được gán cho lúc ra đời. Trong một số trường hợp, sự hiện diện đơn thuần của người đồng tính trong một nhóm là đủ để cảnh sát tuyên bố đó là một cuộc tụ tập “gây rối trật tự”. Điều này đã tạo ra một môi trường khó khăn và nguy hiểm cho giới trẻ đồng tính ở thành phố New York, nơi những điều luật này được thực thi với định kiến cực đoan. Thường xuyên xảy ra tình trạng thanh niên đồng tính không có nhà ở và sống trên đường phố sau khi bị gia đình chối bỏ, và việc sử dụng ma túy, bệnh tật đã trở nên phổ biến do điều kiện sinh hoạt hạn chế. Khi đó, đã có một số địa chỉ làm nơi trú chân dành cho nhóm người bị xa lánh này, và một mạng lưới các quán bar ngầm cho người đồng tính cùng những nơi tụ họp đã hình thành để đem lại cho họ nơi trú ẩn an toàn. Thật không may, do các cơ sở này chỉ hợp pháp một phần, các băng nhóm tội phạm có tổ chức nhìn thấy một nguồn thu nhập tiềm năng từ những cơ sở này.

Vào cuối những năm 1960, băng nhóm tội phạm Genovese đã điều hành hầu hết các quán bar đồng tính ở New York's Village, nơi chúng có thể sử dụng những mối quan hệ để né các quy định địa phương và hoạt động ngoài vòng pháp luật. Vào mùa hè năm 1969, cảnh sát đã tiến hành một loạt các cuộc bố ráp vào một trong những quán bar quan trọng và giá mềm nhất – The Stonewall Inn – nơi đã trở thành một địa điểm trú chân cho những thanh thiếu niên đang chạy trốn khỏi bạo lực đường phố và gia đình. Sự tàn bạo của cảnh sát không phải là hiếm, đặc biệt là trong việc bắt giữ những thanh niên phi nhị giới hoặc da màu. Và cho đến thời điểm Lực lượng cảnh sát New York (NYPD) tiến hành cuộc bố ráp thứ ba trong một loạt các cuộc đột kích vào The Stonewall, những vị khách quen đã chịu đủ cảnh giằng xé do những trùm tội phạm hám lợi, tình trạng vô gia cư và cảnh sát bạo lực. Khi Stormé DeLaverie – nghệ sĩ trình diễn giả trai – cãi lộn với những cảnh sát đã đột kích câu lạc bộ vào ngày 28 tháng 6 năm 1969, tình trạng căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát và đám đông hợp lại sau những cuộc bố ráp đã bắt đầu ném túi bụi những đồng tiền xu, pin và chai lọ vào nhóm cảnh sát. Đám đông giận dữ đã rạch lốp xe của cảnh sát, và những sĩ quan bị áp đảo về số lượng khi đám đông tăng dần lên năm hoặc sáu trăm người đã lập hàng rào cố thủ bên trong quán bar. Ngoài DeLaverie, người ta cũng nhớ đến hai nhà hoạt động vì quyền của người chuyển giới – Marsha P. Johnson người Mỹ gốc Phi và Sylvia Rivera người Puerto Rico – như những người dẫn đầu đã kêu gọi trong cuộc nổi dậy. Theo lời kêu gọi, đám đông đã đập phá hệ thống đồng hồ tính giờ đỗ xe để phá vỡ hàng rào chắn của cảnh sát. Lực lượng tăng cường chiến thuật của NYPD đã đến với đầy đủ trang bị chống bạo động nhưng phải chịu thua những thanh niên biết tận dụng các con đường hẹp, xiên, gập ghềnh của khu Village để tấn công từ bên hông các tiểu đoàn cảnh sát. Với toàn bộ sức mạnh, nhóm nổi loạn đã lên đến con số hàng ngàn người và cuộc bạo loạn, ẩu đả giữa cảnh sát và các nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính tiếp diễn suốt nhiều đêm, truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình đoàn kết ở Philadelphia. Từ đó, một cuộc đấu tranh đã diễn ra ngay trước văn phòng của The Village Voice, tờ báo đã đưa tin bất lợi về cuộc nổi dậy ban đầu. Trong khi các phong trào vì quyền của người đồng tính không hề mới mẻ, các sự kiện vào tháng 6 và tháng 7 năm 1969 đã thổi bùng tính chiến đấu vào phong trào mà trước đây tập trung phần lớn vào kêu gọi sự chấp nhận và tôn trọng.

Mặt trận Giải phóng người đồng tính đã được thành lập sau sự kiện Stonewall, lấy cảm hứng từ các chiến thuật mạnh mẽ của nhóm Báo đen và những người biểu tình chống chiến tranh. Họ đã đoàn kết và cùng đứng lên vì mục tiêu ủng hộ Người da đen, với các hoạt động như diễu hành đến Trại tạm giam nữ để ủng hộ người tù chính trị da đen Afeni Shakur. Một năm sau, vào ngày 28 tháng 6 năm 1970, một cuộc diễu hành mừng Ngày giải phóng Phố Christopher đã được tổ chức để đánh dấu dịp kỷ niệm cuộc nổi dậy Stonewall. Các cuộc diễu hành đồng thời đã diễn ra ở Los Angeles và Chicago, trở thành những cuộc diễu hành Kiêu hãnh đồng tính đầu tiên trong lịch sử, một truyền thống vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong vòng 2 năm kể từ sự kiện Stonewall, tại hầu hết những thành phố lớn ở Mỹ cũng như Úc, Canada và Tây Âu đã hình thành các nhóm ủng hộ quyền của người đồng tính. Chẳng mấy chốc, ngay trong lưỡng đảng Hoa Kỳ đã xuất hiện các liên minh chính trị của người đồng tính. Sự kiện Stonewall đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh vì sự đối xử bình đẳng cho cộng đồng LGBTQI, cộng đồng đã gây ảnh hưởng có liên quan trực tiếp đến lực lượng đối kháng. Trang web lưu trữ do nhà bảo trợ của Stonewall – Willson L. Henderson – tổng hợp nội dung đã ghi nhận một trong những bài hát được yêu thích nhất trên các máy phát nhạc ở Stonewall vào mùa hè năm 1969 là "Stand" của nhóm Sly and the Family Stone. Bài hát hô hào người nghe với lời kêu gọi như sau: "Hãy đứng lên, vì những điều bạn biết là đúng đắn/chính sự thật khiến bọn họ phải đứng ngồi không yên". Lời bài hát đại diện cho lời kêu gọi đạo đức của các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử để đấu tranh cho tự do của họ.

Phong trào Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng quan trọng) không chỉ là một sự kiện chính trị thịnh hành. Đó là một phần của truyền thống kéo dài hàng thế kỷ của những con người bị áp bức mạnh mẽ vùng lên để đòi quyền được đối xử công bằng và bình đẳng, cũng như được hưởng các quyền cơ bản của con người. Nếu vẫn còn tồn tại sự lạm dụng, bất công và tàn bạo, những phản kháng sẽ còn diễn ra dưới sự dẫn dắt của những con người mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, an toàn hơn, một thế giới mà tất cả chúng ta có thể cảm thấy được thuộc về, và những người sẵn sàng chiến đấu để chúng ta được sống trong thế giới này. Như những gì tác giả, nhà cách mạng và nhà hoạt động Angela Davis đã đúc kết: Tự do là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ.

Khám phá những cuộc nổi dậy khác trong lịch sử của Người da đen

Cách mạng Haiti

Các cuộc nổi dậy ở Nam Phi

Cuộc nổi dậy của người Ashanti và phong trào độc lập của Ghana

Các cuộc nổi dậy: Tiền đề cho phong trào giải phóng Người da đen